
Toàn cảnh buổi họp.
Đề tài do Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường (cơ quan chủ trì), Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Ngọc Tuấn đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện. Trong đó các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã đạt gồm: (1) Diễn biến và nguy cơ xâm nhập mặn các sông chính chảy qua tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 trong bối cảnh nước biển dâng; (2) Đánh giá tính dễ bị tổn thương do xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long - xác định khu vực đáng quan tâm; (3) Đặc điểm sinh kế nông nghiệp tại các khu vực dễ bị tổn thương do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; (4) Đánh giá tính dễ bị tổn thương của sinh kế nông nghiệp trong bối cảnh xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long; (5) Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình đa dạng hóa sinh kế nông nghiệp thích ứng xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long; (6) Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với xâm nhập mặn cho các hoạt động sinh kế nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long.
Đề tài đã triển khai thí điểm 05 mô hình sinh kế nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn tại 20 hộ trên địa bàn các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, để kiểm chứng tính khả thi, tăng cường khả năng ứng dụng và nhân rộng. Theo đề xuất của cơ quan chủ trì, cơ quan ứng dụng kết quả đề tài tiếp tục xem xét và lồng ghép việc thí điểm các mô hình còn lại vào các chương trình, dự án khuyến nông hàng năm của tỉnh, đồng thời đề xuất và áp dụng các chính sách hỗ trợ nông hộ triển khai áp dụng.

Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường và Phó Giám đốc SNN&PTNT ký kết chuyển giao đề tài.
Đề tài đã đăng ký kết quả và được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN (Sở KH&CN), số đăng ký VLG.TI009.2022-0000275, ngày 19/12/2022.
Theo quyết định số 827/QĐ-UBND, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long sẽ là đơn vị có trách nhiệm chính ứng dụng kết quả và báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long.
MINH TIẾN