Trong khuôn khổ nội dung Chương trình phối hợp hoạt động giữa Liên hiệp các Hội KH&KT và Sở KH&CN, năm 2022, Liên hiệp các Hội KH&KT phối hợp UBND xã Hiếu Thuận (xã đang phấn đấu để đạt tiêu chuẩn là xã Nông thôn mới trong năm 2022-2023), Trung tâm Giống Thủy sản Vĩnh Long (Sở NN&PTNT), tổ chức lớp Tập huấn phổ biến kiến thức “Chuyển giao kỹ thuật về quy trình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt” cho 50 hộ dân thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hiếu Thuận, gồm 02 nội dung với chủ đề: (i) “Quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể lót bạt”; (ii) “Hướng dẫn tự làm hệ thống tuần hoàn nước trong mô hình nuôi lươn đồng (Monopterus albus) không bùn trên bể Composit, Bể lót bạt, hồ xi măng”.

Cán bộ kỹ thuật (Trung tâm Giống Thủy sản Vĩnh Long) tập huấn cho các hộ dân Quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể lót bạt tại xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm
Ngoài ra để xây dựng mô hình ứng dụng những kiến thức đã được tập huấn Liên hiệp Hội đã hỗ trợ và chuyển giao không thu hồi cho các hộ dân 50% kinh phí và người dân đối ứng 50% lươn giống, thức ăn, tự đầu tư bể nuôi, thuốc phòng trị bệnh và công chăm sóc. Tổng kinh phí thực hiện tổ chức tập huấn và hỗ trợ xây dựng mô hình là: 154.150.000 đồng .Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ 64.000.000 đồng, hộ dân tự đầu tư là 86.000.000 đồng, chính quyền địa phương hỗ trợ 4.000.000 đồng. Dự kiến sau 9 tháng nuôi, người dân có thể thu lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) trên 90.000.000 đồng.

Phối hợp với địa phương thăm mô hình lươn đã được triển khai tại ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận
Với mô hình nuôi lươn như trên, người dân nông thôn có nhiều ưu điểm hơn cách nuôi trong ao hồ, vừa có thể tận dụng không gian nhỏ hẹp, không chiếm nhiều diện tích, vừa tận dụng thời gian và công lao động nhàn rỗi, dễ chăm sóc và quản lý được quy trình nuôi.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn phối hợp với các trường đại học và các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi hội nghị tập huấn như: Phối hợp Trường Đại học Cửu Long, Sở KH&CN và Sở Thông tin & Truyền thông tổ chức tập huấn với 03 chuyên đề: Chuyên đề 1: Vai trò của trường Đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các hướng tiếp cận thương mại hóa công nghệ các sản phẩm R&D trong đại học; Chuyên đề 2: Tình hình triển khai chuyển đổi số của tỉnh Vĩnh Long năm 2022 và Phương hướng nhiệm vụ đến năm 2023; Chuyên đề 3: Chuyển đổi số và vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Cửu Long sau đại dịch COVID-19. Tham dự tập huấn có 113 đại biểu là cán bộ, giảng viên, sinh viên các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc Trường Đại học Cửu Long và các trường Cao đẳng – Đại học trên địa bàn tỉnh và phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin.
Trong phần trao đổi và thảo luận, các đại biểu tham dự đã nêu ra những vấn đề thực tiễn còn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở đơn vị. Các ý kiến nêu lên đã được các báo cáo viên giải đáp làm rõ, bên cạnh đó với những thông tin mà các báo cáo viên cung cấp sẽ góp phần giúp ích cho cán bộ, giảng viên, sinh viên có tiếp cận và xây dựng định hướng, kế hoạch tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tới.

Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022 tại Trường Đại học Cửu Long
Nhìn chung, hoạt động phổ biến kiến thức, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ được Liên hiệp Hội, các ngành, các địa phương và đơn vị khoa học trong tỉnh quan tâm, phối hợp thực hiện hàng năm. Trong đó, nhiều nội dung mới, thiết thực đã được triển khai, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cán bộ khoa học, giảng viên, sinh viên, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người dân.
Dự kiến trong năm 2023, Chương trình phối hợp sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung về phổ biến kiến thức, tổ chức các buổi hội thảo - tập huấn thúc đẩy sự tham gia, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng công - nông nghiệp chất lượng cao, dịch vụ du lịch, thương mại điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số … tạo tiềm năng cho tính hội nhập quốc gia và quốc tế trong thời kỳ cách mạng 4.0./.
Trầm Vũ Quang
Liên hiệp các Hội KH&KT Vĩnh Long