TECHFEST 2022 hướng tới thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo “mở” với sự tham gia của mạng lưới doanh nghiệp lớn; cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài nhằm đưa giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết các vấn đề xã hội có ảnh hưởng toàn cầu. Các hoạt động chính của TECHFEST 2022 diễn ra rất phong phú, đa dạng như: Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ công nghệ trên toàn quốc; Tổng kết cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Hội thảo Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự tham dự của các Bộ, Ngành, UBND tỉnh Bình Dương và đại diện của 20 quốc gia trên thế giới; Chương trình dấu ấn Techfest tổng kết các hoạt động trong năm về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Ngoài ra, tại sự kiện còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề rất được các địa phương quan tâm về: Xu hướng công nghệ, kết nối đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng và bứt phá sau đại dịch; Hội thảo chuyên sâu về phát triển các tổ hợp đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo, cơ sở kinh doanh theo mô hình mở…

Ông Trần Văn Tùng (đứng giữa, thứ 3 từ trái sang) Thứ trưởng Bộ KH&CN tại khu triển lãm của sự kiện
Làn sóng của đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, cũng như đi khắp các cấu phần của một hệ sinh thái. Tốc độ ĐMST là một lợi thế cạnh tranh tuyệt vời trong thời đại kinh tế số 4.0 ngày nay, đồng thời cũng là một xu thế tất yếu đón nhận để vượt qua một năm 2023 đầy biến động của nền kinh tế trước mắt.
Kết quả từ các sự kiện trên đã cho thấy cụm từ “Đổi mới sáng tạo” có thể được ứng dụng hiệu quả trong đa dạng các nhóm ngành, với nhiều mô hình kinh doanh và cấp độ quản lý khác nhau từ đó kiến tạo sức mạnh chung của doanh nghiệp, tổ chức trãi khắp các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, ĐMST giờ đây đã bước qua kỷ nguyên mới, nơi kết nối trong hệ sinh thái đóng vai trò là trung tâm của ĐMST “Mở” nhằm tăng tốc và tối ưu hóa quá trình ĐMST với chi phí hợp lý hơn. Ngày nay, ý tưởng để cải tiến sản phẩm, phát triển năng lực doanh nghiệp có thể đến từ mọi công ty, tổ chức, cá nhân với đa dạng quy mô và lĩnh vực thay vì chỉ từ những đơn vị có khả năng nghiên cứu lớn như trước đây.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN phát biểu khai mạc tại hội thảo
Tháng 05/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 đánh dấu một nhiệm vụ lớn của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi các quốc gia phát triển dành 3% GDP để đầu tư vào các hoạt động ĐMST thì Việt Nam nằm trong số các quốc gia đang phát triển hiện chỉ mới sử dụng 1% GDP cho các công tác ĐMST. Chúng ta cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng trí tuệ cũng như ứng dụng triệt để thành tựu công nghệ vào quá trình phát triển đất nước vượt lên.
Đứng trước nhiệm vụ kiến tạo hệ sinh thái ĐMST Mở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới, hệ sinh thái ĐMST Mở Việt Nam năm 2022 sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng cho các cơ quan chức năng trong quá trình hoạch định chính sách hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái ĐMST Mở trong tương lai, đồng thời là công cụ hữu ích cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp thông qua việc ứng dụng ĐMST Mở, khai thông các nguồn lực đầu tư, giúp phát triển hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam. Với những tiến bộ trong công nghệ, thông tin và truyền thông, tiến trình ĐMST đang phát triển ngày càng nhanh. Sự phát triển ĐMST có thể được chia thành ba giai đoạn chính: ĐMST đóng, ĐMST Mở và hệ sinh thái ĐMST Mở. ĐMST giờ đây đã bước qua kỷ nguyên mới, nơi sự kết nối trong hệ sinh thái đóng vai trò là trung tâm của ĐMST Mở.
Hệ sinh thái ĐMST Mở được hiểu là hệ sinh thái bao gồm nhiều chủ thể (các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, khách hàng...) và các chủ thể này đều tích cực thực hiện các hoạt động ĐMST Mở. Theo đó các chủ thể này không chỉ dựa vào kiến thức, nguồn lực và tài nguyên nội bộ của chính họ để hình thành kết quả ĐMST (sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, qui trình...) mà còn chủ động tìm kiếm và sử dụng nhiều nguồn bên ngoài để thúc đẩy nhanh hơn quá trình ĐMST và hướng tới tạo ra giá trị chung.

Ông Nguyễn Văn Tùng (đứng giữa) Giám đốc Sở KH&CN cùng đoàn công tác của Sở tham dự tại sự kiện Techfest 2022
Sự phát triển của Khoa học và Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong ĐMST và ĐMST Mở; từ đó cho thấy đổi mới và công nghệ đang dần trở nên đan xen và gắn liền với nhau. Những đột phá trong công nghệ không chỉ làm thay đổi bối cảnh cạnh tranh mà còn tạo ra những tác động mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với xã hội. Chúng định hình lại thị trường, thúc đẩy hợp tác, gia tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, nâng cao đời sống người dân... Với tác động rộng rãi của các xu hướng công nghệ, hầu hết các lĩnh vực đều thể hiện sự ảnh hưởng. Trong những thập kỷ tới sẽ hứa hẹn là thời kỳ công nghệ tiến bộ nhanh hơn bao giờ hết từ khoa học đến kỹ thuật trên qui mô toàn thế giới. Bên cạnh đó sự thay đổi mới tổ hợp được kỳ vọng tạo nên kết quả vượt trội khi kết hợp các công nghệ khác nhau để tạo nên một công nghệ mới hiện đại hơn./.
Nguyễn Hữu Dùng
Trung tâm Ứng dụng KHCN Vĩnh Long