Ngày 01/12/2022 Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết các mô hình theo Chương trình liên tịch giữa hai đơn vị về “Mô hình ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trên các loại rau màu cho cán bộ hội viên, nông dân trên địa bàn xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình”; với sản phẩm giá thể hữu cơ vi sinh do Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ Vĩnh Long sản xuất, cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tại các mô hình. Đến tham dự hội nghị có ông Bùi Văn Chiều - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đại diện các phòng chuyên môn của Sở KH&CN, đại diện HND huyện Tam Bình và hơn 50 đại biểu, hội viên nông dân tham gia mô hình tại xã Ngãi Tứ tham dự.
Tại hội nghị, thông qua báo cáo kết quả thực hiện từ các mô hình sử dụng giá thể HCVS trồng rau màu các loại, với 45 hộ nông dân tham gia diện tích 149.500m2; Trong đó 77.500m2 được hỗ trợ giá thể HCVS liều lượng 200 kg/1.000m2, diện tích còn lại sử dụng phân bón theo phương pháp truyền thống (đối chứng so sánh). Kết quả tổng hợp, phân tích số liệu thu thập từ các mô hình cho thấy hiệu quả sử dụng giá thể HCVS rất khác biệt so với trồng đối chứng; Cụ thể trên các mô hình trồng dưa leo, khổ qua, đậu cove, đậu đũa có lượng phân bón hóa học (qui ra tiền) giảm từ 345.000 đến 654.000 đồng/1.000m2/vụ và thuốc BVTV giảm đến 300.000 đồng/1.000m2/vụ; tỉ lệ bệnh chết cây con giảm; Năng suất thu hoạch các loại rau màu trên tăng từ 250 - 460 kg/1.000m2/vụ, thời gian thu hoạch trái kéo dài thêm, tăng lợi nhuận từ 2.153.000 đến 3.370.000 đồng/1.000m2/vụ. Ngoài ra các hộ dân tham gia mô hình đã đánh giá khi sử dụng giá thể HCVS trên các loại rau màu cây sinh trưởng khá mạnh, sức sống tốt hơn, khả năng đâm chồi nhiều, đốt thân ngắn, màu lá xanh tốt; đặc biệt ra hoa sớm khá đồng loạt, sản phẩm rau màu sau thu hoạch thương lái có thể vận chuyển xa, thời gian bảo quản được lâu hơn, ít bị hư hỏng trái hơn so với đối chứng chỉ sử dụng phân bón hóa học.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế xã hội cho thấy khi hộ dân tham gia mô hình đã tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, đây là cơ sở để có thể nhân rộng các mô hình tiếp theo; Đồng thời khi sử dụng giá thể HCVS nông dân theo dõi quan sát nhận thấy chất lượng đất trồng vụ sau được cải thiện rất rõ rệt, thành phần đất tơi xốp thoáng khí hơn (đặc biệt hộ dân có trồng thử nghiệm trên Hẹ rất tốt), hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự quan tâm của tổ chức hội nông dân với ngành khoa học trong việc gắn kết đưa kết quả ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất tại các địa phương nhằm hiện thực hóa việc nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tế của người dân trong sản xuất và đời sống.
Tại hội nghị cũng ghi nhận còn một số hạn chế nhất định như do số lượng giá thể HCVS hỗ trợ còn ít so với nhu cầu của hội viên nông dân và một số hộ mới sử dụng giá thể HCVS lần đầu nên chưa đánh giá được hiệu quả cải tạo đất và chưa mạnh dạn sử dụng trên diện tích rộng hơn; đối với các loại rau màu dài ngày lượng giá thể HCVS có thể cung cấp bổ sung nhiều hơn để cây phát triển ổn định tốt hơn… Nhiều ý kiến hội viên, nông dân rất quan tâm và mong muốn được nhân rộng mô hình, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ giá thể HCVS hoặc chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ sau khi được thực hiện và tham quan từ mô hình trồng rau màu thực tế.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh ghi nhận kết quả đạt được từ các mô hình trồng rau màu sử dụng giá thể HCVS và các ý kiến đóng góp, đề xuất của các hội viên, nông dân để tiếp tục có kế hoạch nhân rộng, hỗ trợ xây dựng và phát triển nhiều mô hình ứng dụng giá thể HCVS trên rau màu và cây trồng khác trong thời gian tới tại nhiều địa phương đạt hiệu quả cao hơn./.

Đại biểu tham dự Tổng kết mô hình ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trên rau màu tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình


Tham quan mô hình sử dụng giá thể hữu cơ vi sinh trồng Dưa leo (đang giai đoạn thu hoạch trái)
Nguyễn Hữu Dùng
Trung tâm Ứng dụng KHCN Vĩnh Long