Vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành 02 văn bản hướng dẫn xét công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Văn bản số 1249/SKHCN-QLCN ngày 18/11/2022 và Văn bản số 1283/SKHCN-QLCN ngày 28/11/2022). Nhằm tạo thuận lợi trong việc tra cứu và thực hiện các quy định về xét công nhận sáng kiến của các sở, ban ngành tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp các nội dung hướng dẫn quy định xét công nhận sáng kiến tại 02 văn bản nêu trên như sau:
1. Đối tượng được công nhận sáng kiến:
Các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc các giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp) được quy định tại Điều 3 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP (gọi tắt là Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN).
2. Điều kiện xét công nhận sáng kiến:
Điều kiện xét công nhận sáng kiến được quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ sáng kiến (gọi tắt là Nghị định số 13/2012/NĐ-CP) và Điều 4 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN.
3. Thẩm quyền công nhận sáng kiến, đề tài:
a) Thẩm quyền công nhận sáng kiến thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN. Người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến có thể thành lập Hội đồng sáng kiến để đánh giá giải pháp được yêu cầu công nhận sáng kiến làm căn cứ quyết định việc công nhận sáng kiến. Hội đồng sáng kiến được thành lập theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và khoản 1, Điều 8 Thông tư số 18/2013/TTBKHCN.
* Người đứng đầu cơ sở quy định tại Điều 2 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN, được hiểu như sau:
- Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng Sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xét công nhận sáng kiến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Khối Văn phòng, Phòng chuyên môn trực thuộc không có tư cách pháp nhân theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN;
- Thủ trưởng các đơn vị có tư cách pháp nhân theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN xét công nhận sáng kiến cho công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình quản lý.
-……………………..
b) Thẩm quyền công nhận đề tài nghiên cứu khoa học do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền nghiệm thu mức đạt trở lên (thông qua Hội đồng khoa học) thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ. Đối tượng được công nhận có đề tài nghiên cứu khoa học là Chủ nhiệm đề tài và người trực tiếp tham gia nghiên cứu đề tài.
c) Xét chấp thuận công nhận sáng kiến cho tác giả là người đứng đầu cơ sở:
Sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật và người đứng đầu cơ sở công nhận sáng kiến (quy định tại Điều 2 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN) chính là tác giả sáng kiến thì việc công nhận sáng kiến phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý theo quy định sau đây:
- Trường hợp cơ sở xét công nhận sáng kiến là cơ quan, tổ chức của Nhà nước, việc công nhận sáng kiến phải được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của
cơ sở đó chấp thuận.
- Trường hợp cơ sở xét công nhận sáng kiến không phải là cơ quan, tổ chức của Nhà nước thì trong hai cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương nơi cơ sở xét công nhận sáng kiến đóng trụ sở và cơ quan, tổ chức của Nhà nước trực tiếp thực hiện việc đầu tư tạo ra sáng kiến, cơ quan nào nhận được (hoặc nhận được sớm hơn) Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc công nhận sáng kiến thì sẽ chủ trì xét chấp thuận việc công nhận sáng kiến và có thể yêu cầu cơ quan còn lại phối hợp thực hiện.
- Việc xét chấp thuận việc công nhận sáng kiến căn cứ vào Hồ sơ của cơ sở xét công nhận sáng kiến (khoản 2, Điều 7 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN).
- Thời hạn xét chấp thuận việc công nhận sáng kiến cho tác giả là người đứng cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 7 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN. Việc xét chấp thuận công nhận sáng kiến được thực hiện thông qua Hội đồng sáng kiến.
Ví dụ: Trung tâm B là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở A, Giám đốc Trung tâm B chính là tác giả sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư thì việc công nhận sáng kiến cho Giám đốc Trung tâm B phải được chấp thuận của Giám đốc Sở A.
4. Trình tự, thủ tục xét công nhận sáng kiến thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 9 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN.
5. Kinh phí phục vụ cho hoạt động công nhận sáng kiến thực hiện theo Nghị quyết số 190/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
6. Việc công nhận sáng kiến là hoạt động thường xuyên. Các cá nhân có thể nộp đơn đề nghị xét công nhận sáng kiến vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn việc xét công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ./.
Xem toàn văn: Văn bản số 1249/SKHCN-QLCN; Văn bản số 1283/SKHCN-QLCN